Nếu con bạn không chịu bú tí nào hoặc bú không tốt thì việc vắt sữa ra để thiết lập và duy trì nguồn Sữa mẹ là cực kỳ quan trọng. Bằng cách vắt sữa ra, các mẹ sẽ có sữa sẵn để cho con bú bình, vì mỗi giọt Sữa mẹ mà bé nhận được đều là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá.
Vậy khi nào thì mẹ nên bắt đầu hút sữa ra?
Nếu bé không chịu bú ngay sau khi sinh thì mẹ nên bắt đầu hút sữa trong vòng 6 giờ sau khi sinh – hút sữa càng sớm thì càng giúp tích trữ được nhiều hơn đấy.
Loại máy hút sữa nào là tốt nhất?
Nếu bé không chịu bú tí nào thì mẹ thực sự nên xem xét việc thuê máy hút sữa sử dụng trong bệnh viện (loại máy dùng được cho nhiều người của Ameda, Hygeia hoặc Medela Symphony) để giúp bạn hút cả hai bên ngực cùng một lúc.
Nếu mẹ không có điều kiện thuê máy hút sữa sử dụng trong bệnh viện thì nên cân nhắc việc mua một cái máy cho riêng mình (tốt nhất là nên mua loại máy hút hai bên có chất lượng tốt) và/ hoặc vắt sữa bằng tay.
Mẹ nên hút bao nhiêu sữa nếu bé không chịu bú tí nào?
Sau khi sinh được 7-10 ngày, mẹ nên đặt ra mục tiêu hút được từ 750-800ml sữa mỗi ngày. Nếu mẹ sinh đôi hoặc sinh nhiều con hơn thì nên phấn đấu hút 800-950ml sữa mỗi ngày sau khi sinh được 14 ngày.
Mẹ nên đánh giá lượng sữa hút được trong vòng 24 giờ vào ngày thứ 10 sau khi sinh. Nếu lượng sữa hút ra nằm trong khoảng 350-500ml hoặc ít hơn (dưới 350ml) thì mẹ nên uống thuốc hoặc thảo dược để tăng lượng sữa hoặc sử dụng các biện pháp vật lý khác để kích sữa.
Các nghiên cứu cho thấy lượng sữa hút ra vào tuần thứ 2 sau khi sinh là chỉ số quan trọng cho thấy hiệu quả nuôi con bằng Sữa mẹ, nên mẹ cần có sự khởi đầu suôn sẻ thì mới có đủ sữa cho bé bú. Tuy nhiên, ngay cả khi lượng sữa ban đầu không nhiều như mục tiêu thì cũng đừng nản lòng nhé, vì nhiều mẹ thấy sữa tăng lên (có người còn phải đến tận tuần thứ 9-15 mới thấy) nếu mẹ kiên trì hút sữa thường xuyên.
Mẹ nên hút sữa bao lâu một lần?
Mẹ nên hút từ 8-10 lần một ngày, cho đến khi nguồn sữa trở nên ổn định. Tốt nhất là mẹ nên cho con bú và/ hoặc hút sữa ít nhất 8 lần trong vòng 24 giờ. Nếu cữ bú/ hút được 10 lần một ngày thì càng tốt, đặc biệt là nếu như mẹ sinh đôi hoặc sinh nhiều con hơn.
Thời gian giữa các cữ bú/ hút không nhất thiết phải đều nhau, nhưng mẹ nên cho bé bú/ hút ít nhất một lần vào buổi đêm trong những tháng đầu tiên sau khi sinh hoặc bất kỳ lúc nào nếu bạn thấy lượng sữa hút ra có vẻ giảm. Nên tránh để các cữ bú/ hút cách nhau hơn 5-6 giờ trong những tháng đầu tiên.
Khi hút sữa vào ban đêm, lượng sữa hút được thường nhiều hơn nếu bạn hút sau khi tự ngủ dậy (ví dụ như để đi vệ sinh hoặc vì bầu ngực căng tức khó chịu) chứ không phải do đặt đồng hồ báo thức để dậy hút sữa.
Nếu mẹ thấy khó có thể hút đủ số cữ đề nghị như trên thì chỉ cần thêm một cữ hút ngắn thôi cũng tốt rồi (việc này giúp tăng số lần hút dù một cữ hút ngắn như vậy không làm trống bầu sữa hoàn toàn).
Mẹ nên hút bao nhiêu phút trong mỗi cữ?
Nếu em bé không chịu ti mẹ tí nào thì:
Trong những ngày đầu tiên sau khi sinh, trước khi Sữa mẹ về, cách hiệu quả nhất để ra sữa non là mẹ nên vắt tay. Sau đó mẹ nên hút hai bên cùng lúc trong vòng 10-15 phút mỗi cữ để kích sữa về thêm.
Khi Sữa mẹ đã về, mẹ nên hút 30 phút cho mỗi cữ, hoặc hút thêm 2-5 phút sau khi giọt sữa cuối cùng ra hết.
Nếu bé có bú nhưng không thể làm mềm bầu vú mẹ hiệu quả thì mẹ nên hút hai bên cùng lúc trong vòng 10-15 phút sau khi bé bú.
Sau mỗi cữ bú và/ hoặc hút, mẹ nên làm trống bầu ngực càng triệt để càng tốt. Để chắc chắn là máy hút sữa hút tối đa lượng sữa có trong bầu ngực thì mẹ nên hút thêm 2-5 phút sau khi giọt sữa cuối cùng ra hết. Mẹ nên massage ngực trước mỗi cữ hút, tiếp tục massage và day ấn trong suốt cữ hút để làm trống bầu sữa hiệu quả và giúp tăng lượng sữa hút ra.
Các mẹo khác giúp mẹ:
Mẹ nên nghỉ ngơi và thư giãn nhiều nhất có thể.
Nên áp dụng phương pháp da tiếp da sẽ thấy tác dụng rõ rệt với lượng sữa hút ra đấy.
Một nghiên cứu đã cho thấy các bà mẹ có em bé phải nằm trong lồng kính sẽ hút được nhiều sữa hơn nếu mẹ nghe nhạc và thư giãn theo hướng dẫn. Nếu mẹ vừa nghe nhạc, thư giãn theo hướng dẫn, vừa nhìn ảnh bé trong khi hút thì hiệu quả hút sữa còn cao hơn nữa, thậm chí gấp 2-3 lần so với lượng sữa thường hút được. Hàm lượng chất béo có trong Sữa mẹ cũng tăng lên.
Nếu mẹ cảm thấy khó hút cả hai bên cùng lúc thì nên tập hút một bên trước, rồi đổi bên. Mẹ nên chuyển sang hút hai bên cùng lúc càng sớm càng tốt.
Nên tránh sử dụng thuốc có tác động đến lượng Sữa mẹ (như các biện pháp tránh thai sử dụng hormone, pseudoephedrine, các loại đồ uống có cồn, bromocriptine, ergotamine, cabergoline).
Nếu lượng Sữa mẹ hút ra không tăng như dự kiến sau khi sinh 7-10 ngày thì mẹ nên cân nhắc sử dụng thuốc tăng tiết sữa. Các thuốc có chứa Fenugreek, metoclopramide (Reglan) hoặc domperidone (Motilium) có tác dụng đáng kể trong việc kích sữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét